Pasteur Đà Lạt – Xây dựng và phát triển đội ngũ nghiên cứu khoa học và công nghệ

‏XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ‏

‏Phòng Nghiên cứu Phát triển‏

‏Công ty TNHH MTV Vắc xin Pasteur Đà Lạt‏

‏1. Giới thiệu chung‏

‏Công ty TNHH MTV Vắc xin Pasteur Đà Lạt (DAVAC) tiền thân Viện Pasteur Đà Lạt – là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và sản xuất các loại vắc xin cung cấp cho chương trình tiêm chủng mở rộng và hoạt động theo hình thức đơn vị sự nghiệp nhà nước trên 30 năm. Từ năm 2007, Viện Pasteur Đà Lạt chuyển hoạt động sang tự hạch toán theo mô hình doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế thị trường, với lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất các loại sản phẩm chăm sóc sức khỏe đa dạng: vắc xin sinh phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nguồn gốc vi sinh (probiotic), dược liệu.‏

‏Từ xuất phát điểm là một đơn vị sự nghiệp chuyên về nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực vắc xin, DAVAC có lợi thế lớn về nhân lực, tác phong nghiên cứu cũng như mối liên hệ chặt chẽ với việc chuyển giao khoa học và công nghệ. Với thế mạnh là nhà sản xuất các sản phẩm phục vụ sức khỏe con người như dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và đặc biệt là vắc xin, sinh phẩm – DAVAC đã không ngừng nỗ lực đẩy mạnh nghiên cứu, tăng cường hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước. Đặc biệt, việc xây dựng và phát triển đội ngũ tri thức trẻ trong lĩnh nghiên cứu khoa học và công nghệ luôn luôn được Lãnh đạo Công ty chú trọng nhằm kế thừa truyền thống nghiên cứu khoa học cũng như nâng cao năng lực nghiên cứu các sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân và thị trường dược phẩm. ‏

‏2. Một số thành tựu trong nghiên cứu khoa học – đào tạo nhân lực nghiên cứu:‏

‏Lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất vaccin:‏

‏DAVAC được thừa hưởng một nền tảng vững chắc về nghiên cứu khoa học và công nghệ mà các vị tiền nhân đã dày công xây dựng. Các cán bộ nhân viên với thâm niên công tác, đã tích lũy nhiều kinh nghiệm chuyên môn thông qua các dự án nghiên cứu các loại vắc xin Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, BCG, Thương hàn (vắc xin toàn tế bào), Dịch hạch, Tả. Một trong những mốc son tiêu biểu là vào năm 2002, sản xuất thành công vắc xin Thương hàn thế hệ mới Vi polysaccharide với sự giúp đỡ và chuyển giao công nghệ của Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (NIH). Từ năm 2003, loại vắc xin này được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia (EIP) với hơn 3 triệu liều. Đây là cũng là cơ sở cho việc hình thành các dự án hợp tác nghiên cứu sau này của Công ty.‏

‏Năm 2014, DAVAC đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện dự án khoa học công nghệ sản phẩm Quốc gia vắc xin phòng bệnh cho người “Nghiên cứu phát triển sản phẩm vắc xin Thương hàn Vi cộng hợp”, mã số SPQG.05a.06. Với sự hợp tác và hỗ trợ nghiên cứu từ các chuyên gia từ Viện vắc xin Finlay – Cuba, dự án đã hoàn thành nghiệm thu. Đã có 02 cán bộ nghiên cứu tại công ty hoàn thành luận văn cao học ngành sinh học thực nghiệm từ việc tham gia trực tiếp trong quá trình nghiên cứu.‏

‏Vào năm 2017, DAVAC tiếp tục được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho thực hiện đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu sản xuất vắc xin Ho gà vô bào theo công nghệ biến đổi gen”, đây là đề tài được hợp tác theo Nghị định thư với Trung tâm Công nghệ sinh học và Công nghệ gen (CIGB) – Cuba. Trong suốt quá trình nghiên cứu dự án các chuyên viên nghiên cứu tại công ty luôn luôn nỗ lực học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với các đoàn chuyên gia nước ngoài để nâng cao năng lực nghiên cứu.‏

‏Năm 2018, đội ngũ nhân lực nghiên cứu của DAVAC được cử tham dự Hội thảo khoa học, tiếp nhận chuyển giao về xây dựng hệ thống nhà xưởng, dây chuyền sản xuất vắc xin tại Trung tâm CIGB – Cuba song song đó công ty đã tổ chức thành công “Hội thảo vắc xin Ho gà vô bào” tại DAVAC. Đã có 02 chuyên viên nghiên cứu hoàn thành luận văn thạc sĩ sinh học thực nghiệm với đề tài “Nghiên cứu thiết lập quy trình lên men sản xuất các kháng nguyên PT, FHA, Prn2 để pha chế vắc xin ho gà vô bào từ chủng vắc xin vi khuẩn Ho gà cải biên gen ‏ ‏Bordetella pertussis‏ ‏” và “Nghiên cứu đánh giá tính sinh miễn dịch và an toàn của vắc xin Thương hàn Vi cộng hợp được sản xuất tại Công ty vắc xin Pasteur Đà Lạt”. Điều này một lần nữa đã khẳng định việc nghiên cứu phát triển hợp tác quốc tế kết hợp với học tập, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ nhân viên luôn được công ty chú trọng.‏

‏Lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) nguồn gốc men vi sinh (probiotic).‏

‏Bên cạnh lĩnh vực vắc xin việc nghiên cứu và sản xuất các loại thuốc và TPBVSK có thành phần men vi sinh cũng được DAVAC chú trọng phát triển. Thành quả của quá trình nghiên cứu là các sản phẩm chất lượng cung cấp cho thị trường dược phẩm song song đó là các luân văn khoa học được bảo vệ thành công qua các năm. Có thể kể đến các đề tài luận văn cao học “Bước đầu nghiên cứu phương pháp thu nhận sinh khối vi khuẩn ‏ ‏Lactobacillus acidophilus‏ ‏ trên môi trường lỏng bằng phương pháp kết tủa” – năm 2008; “Xây dựng quy trình nuôi cấy thu sinh khối vi khuẩn ‏ ‏Lactobacillus acidophilus‏ ‏ trên nồi lên men 75 lít”, năm 2011; “Xây dựng quy trình nuôi cấy thu sinh khối vi khuẩn ‏ ‏Bacillus subtilis‏ ‏ trên nồi lên men 75 lít”, năm 2011; hay gần đây nhất là “Nghiên cứu sản xuất sinh khối vi khuẩn ‏ ‏Bacillus clausii‏ ‏ bằng công nghệ lên men sử dụng trong các chế phẩm probiotics”, năm 2015.‏

‏Hoạt động tư vấn và phản biện lĩnh vực khoa học công nghệ:‏

‏Hoạt động, tư vấn, phản biện và giám định xã hội cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đơn vị. Trong 6 tháng đầu năm 2022 đơn vị đã thực hiện tư vấn đánh giá nghiệm thu, phản biện đề tài “Nghiên cứu quy trình sản xuất sản phẩm cao lỏng và trà hoà tan Đảng sâm Việt Nam [‏ ‏Codonopsisjavanica‏ ‏ (Blume) Hook. F., Campanulaceae] trồng tại tỉnh Lâm Đồng” theo quyết định số 64/QĐ-SKHCN ngày 5/5/2022 của Sở Khoa học và Công nghẹe Tỉnh Lâm Đồng.‏

‏3. Công tác tập huấn, huấn luyện – phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ- cập nhật kiến thức chuyên môn ngành Dược – Sinh học.‏

‏Để xây dựng đội ngũ tri thức với chuyên môn đáp ứng được nhu cầu lao động trong điều kiện thực tế, ngoài việc tuyển dụng nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí đảm nhiệm, DAVAC còn chú trọng nâng cao trình độ và năng lực cho đội ngũ cán bộ nhân viên thông qua các lớp huấn luyện truyền đạt kinh nghiệm từ các cán bộ có thâm niên hoặc chuyên gia của các lĩnh vực liên quan cho các bạn trẻ được tổ chức thường niên. Các hội thảo nội bộ cũng được chú trọng, được xem như là cơ hội để đào tạo đội ngũ tri thức kế cận, sân chơi cho đội ngũ trẻ được thể hiện sự sáng tạo, nhiệt huyết trong nghiên cứu khoa học.‏

‏Trong năm 2022 Công ty đã tạo điều kiện cho các chuyên viên nghiên cứu, kiểm định chất lượng tham dự các lớp hướng dẫn thực hiện quy định về hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, xây dựng hồ sơ pháp chế, dược lý thông qua khóa học “Thiết lập hồ sơ đăng ký thuốc” do Sapharcen – Khoa Dược – Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Khóa học trực tuyến “Tiêu chuẩn chất lượng và thẩm định phương pháp phân tích”; Khóa học “Cập nhật kiến thức chuyên môn về dược cho các cá nhân hành nghề dược” do Trường Đại học Dược Hà Nội tổ chức. Các cá nhân tham dự học tập, hoàn thành bài thi đánh giá năng lực và được cấp giấy xác nhận hoàn thành khóa học. Từ những khóa học tham dự, Đơn vị đã thực hiện tổ chức triển khai, tập huấn và phổ biến đếnđội ngũ nhân viên, tăng cường năng lực thực hiện, và đảm bảo chất lượng về quản lý, sản xuất dược hiện hành.‏

‏Trong 10 năm qua, DAVAC đã cử nhiều cán bộ đi đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ từ các công trình triển khai nghiên cứu tại Công ty; cử các đoàn công tác tham gia học tập trực tiếp tại các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Mặt khác, các nghị định, thông tư, công văn liên quan đến công tác nghiên cứu, sản xuất và đăng ký thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế, thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn được cập nhật và áp dụng vào hoạt động tại công ty.‏

‏DAVAC cũng có nhiều chính sách nhằm khuyến khích các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ. Hàng năm Công ty đều có đánh giá khuyến khích các sáng kiến cải tiến trong công việc, khuyến khích đội ngũ lao động học tập nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn dưới sự dẫn dắt của Hội đồng Khoa học Công nghệ- gồm các cán bộ đã và đang làm việc tại Công ty, có kinh nghiệm và chuyên môn cao. Chính từ các sáng kiến cải tiến này đã giúp cho đơn vị khắc phục được rất nhiều khó khăn về trang thiết bị, điều kiện làm việc và trên hết là đảm bảo mục tiêu về uy tín, chất lượng. Điều này cũng góp phần làm người lao động say mê, gắn bó hơn với công việc, trình độ vững vàng hơn và càng ngày càng làm chủ hơn các dây chuyền công nghệ trong sản xuất cũng như nghiên cứu các sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của khách hàng.‏

‏Hoạt động nghiên cứu Khoa học và Công nghệ là hoạt động không thể thiếu, gắn liền với sự phát triển bền vững của Công ty. Đây là động lực thúc đẩy niềm đam mê nghề nghiệp, giúp đội ngũ tri thức trẻ tiếp nhận, làm chủ được tri thức trên cơ sở độc lập suy nghĩ, sáng tạo, không ngừng hoàn thiện bản thân để có thể đáp ứng nhu cầu công việc và tạo ra được những sản phẩm có chất lượng cao, lấy sứ mệnh bảo vệ sức khỏe con người là trọng tâm và nhu cầu của người tiêu dùng làm mục tiêu phát triển sản phẩm. Tri thức, sáng tạo, chất lượng, an toàn, hiệu quả là nền tảng và nhân tố con người làm hạt nhân cho sự phát triển bền vững.‏

‏4. Đẩy mạnh công tác phối hợp với các Viện, Trường Đại học trong việc định hướng lao động trẻ‏

‏DAVAC luôn tích cực phối hợp với các trường Đại học trên địa bàn thành phố Đà Lạt tổ chức các chuyến tham quan, kiến tập, thực tập. Tiêu biểu trong năm 2022, DAVAC đã thực hiện hướng dẫn 03 đoàn sinh viên- thuộc Khoa Sinh học- Trường Đại học Đà Lạt và Khoa Sinh học- Công nghệ môi trường- Công nghệ thực phẩm – Trường Đại học Yersin Đà Lạt. Các bạn sinh viên có cơ hội được tham quan, thực tập nghề nghiệp, tham gia thực hành sản xuất thuốc. Qua buổi thực tập, các bạn được đào tạo về quá trình nghiên cứu, sản xuất, và phát triển sản phẩm. Từ đó, có cái nhìn tổng quan về hoạt động sản xuất tại công ty, làm cơ sở cho việc định hướng phát triển nghề nghiệp.‏

‏5. Lời kết‏

‏Trong những năm gần đây, trước sự ảnh hưởng to lớn của dịch Covid-19, vai trò của việc xây dựng và phát triển đội ngũ trong nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm tăng cường chuyển giao công nghệ giữa các Viện, Trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước lại càng được khẳng định rõ nét. Đặc biệt là với định hướng phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ của DAVAC.‏

‏Việc đào tạo đội ngũ nhân lực nghiên cứu và kỹ thuật viên lành nghề là yếu tố không thể thiếu quyết định đến khả năng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như hoạt động chuyển giao công nghệ vào sản xuất. Đây là tiền đề để thích ứng với sự thay đổi của thời đại sự chủ động trong công tác phục vụ và chăm sóc sức khỏe con người.‏

‏Hợp tác đào tạo, trao đổi kinh nghiệm với chuyên gia Trung tâm CIGB – Cuba‏

image1.jpg

‏Hội thảo chuyên đề tại Công ty‏

image2.png

‏Sinh viên Đại học Đà Lạt – ngành Công nghệ Sinh học thực tập chuyên môn tại Công ty‏

‏BẢN TIN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ LÂM ĐỒNG SỐ 4-2022 (134)‏

‏ISSN 1859 – 4301‏

Chat Zalo

0348789289