LỊCH SỬ PASTEUR ĐÀ LẠT
1. Giai đoạn trước năm 1975
1.1. Bối cảnh lịch sử và quá trình hoạt động
Năm 1890, ngay sau 2 năm khi Viện Pasteur Paris được thành lập, tại Việt Nam nền móng Viện Pasteur cũng đã được đặt tại Sài Gòn. Viện Pasteur Nha Trang được thành lập vào năm 1895 và Viện Pasteur Đà Lạt thành lập vào năm 1936. Cho đến cuối năm 1958, các Viện Pasteur tại Việt Nam đều trực thuộc Viện Pasteur Paris về phương diện hành chính, tài chính và chuyên môn. Chiếu theo thoả ước ngày 25/11/1958 giữa Chánh phủ Việt Nam và Viện Pasteur Paris, Viện Pasteur Việt Nam gồm 3 cơ sở ở Sài Gòn, Nha Trang và Đà Lạt. Chiếu theo sắc lệnh số 569 – TTP ngày 29/12/1958, Viện Pasteur Việt Nam được công nhận là một cơ quan công lập, có tư cách pháp nhân và quyền tự trị về hành chính tài chính. Trụ sở của Viện Pasteur Việt Nam được đặt tại Sài Gòn do một Viện trưởng điều hành và có một Phụ tá về Hành chánh và Tài chánh. Mỗi viện Sài Gòn, Nha Trang và Đà Lạt đều do một Giám Đốc điều hành với một Quản lý phụ tá về Hành chánh và Tài chánh, và mỗi viện có một nhiệm vụ chính, riêng biệt. Viện Sài Gòn chú trọng thực hiện các công việc nghiên cứu, sưu tầm, phân tích và điều tra về vi trùng học, sinh lý học liên quan đến sức khoẻ công cộng và việc phòng ngừa cùng điều trị các bệnh có nọc độc và truyền nhiễm cho người hay súc vật. Viện Nha Trang chế tạo các loại huyết thanh và các loại thuốc chủng để phòng ngừa và điều trị các chứng bệnh truyền nhiễm của súc vật. Viện Đà Lạt chế tạo các loại thuốc chủng để phòng ngừa và điều trị các bệnh truyền nhiễm của con người. Năm 1893, trong một chuyến đi thám hiểm Tây Nguyên, Alexandre Yersin phát hiện ra cao nguyên Langbian ở độ cao 1600 mét. Vô cùng ấn tượng trước vẻ đẹp nơi đây, ông thông báo cho Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer biết để xây dựng một khu nghỉ mát có khí hậu ôn đới tại vùng núi non tuyệt đẹp này. Năm 1899, Paul Doumer cùng Alexandre Yersin đi thăm cao nguyên và quyết định xây dựng một thành phố nơi đây – đó chính là thành phố Đà Lạt. Để phục vụ thành phố mới ra đời này, cần có bộ phận y tế để kiểm tra nguồn nước, khảo sát sức khoẻ của người dân vùng Tây Nguyên và theo dõi vệ sinh y tế của người dân đang di chuyển đến ở. Ý tưởng hình thành Viện Pasteur xuất hiện đúng lúc này, vì việc sản xuất vắc xin ở Sài Gòn và Nha Trang thường xuyên gặp khó khăn do ô nhiễm môi trường và cấy ghép trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. Tháng 11 năm 1931, toàn quyền Pasquier và bác sĩ Jean Bablet, người được uỷ quyền của Viện Pasteur Paris ký hiệp định xây dựng Viện Pasteur Đà Lạt. Công việc xây dựng kéo dài trong nhiều năm, cuối cùng kết quả là hai khối nhà chính nối với nhau bằng một hàng rào có mái che được hình thành. Các khối nhà phụ nằm rải rác giữa các rặng thông. Toàn bộ công trình được toạ lạc ở nơi thoáng đãng, phía trên cao và dễ thấy của thành phố Đà Lạt.
Viện Pasteur Đà Lạt Trước năm 1975
Công trình Viện Pasteur Đà Lạt đã được khởi công xây dựng vào năm 1932 và hoàn thành vào tháng 6 năm 1935. Công trình này được đưa vào hoạt động vào năm 1936 và là viện Pasteur cuối cùng trong chuỗi các viện Pasteur tại Đông Dương, được đặt dưới sự chỉ đạo và điều hành trực tiếp của Viện Pasteur Paris để đảm bảo chất lượng và uy tín của các nghiên cứu khoa học. Toàn bộ cơ sở bao gồm một khối nhà chính làm văn phòng, bên cạnh là các phòng thí nghiệm, phòng vô trùng, phòng vắc xin, phòng lạnh… Giống như phần lớn các công trình kiến trúc ở Đà Lạt, Viện Pasteur có bố cục tổng thể theo hình khối nằm ngang vững chắc, gắn kết chặt chẽ. Toà nhà chính gồm hai tầng, mặt ngoài đối xứng, được trang trí bởi những cửa sổ kiểu cách đa dạng, một phần tường tầng trệt xây dựng theo lối thô ráp. Kiến trúc của Viện Pasteur Đà Lạt chịu nhiều ảnh hưởng từ trào lưu kiến trúc mới của Pháp. Công trình là tổ hợp của những mảng khối chữ nhật, các hình khối mạnh mẽ, đường nét đơn giản và rõ ràng. Nhìn từ ngoài vào, mặt chính của Viện trang trí một chân dung Louis Pasteur đắp nổi và dòng chữ “Viện Pasteur Việt Nam – Chi nhánh Đà Lạt” ở phía trên. Mặt đứng của công trình phản ánh trung thực cấu trúc mặt bằng. Hệ mái bằng có phần tường xây cao hơn mái hắt, một nét mới trong loại hình kiến trúc thời kỳ này. Xung quanh Viện được bao bọc bởi một số biệt thự, trước đây vốn là nơi ở của các bác sỹ làm việc trong Viện. Tháng giêng năm 1936, một nhóm thử nghiệm chỉ có 5 người được chuyển từ Sài Gòn đến Đà Lạt. Công việc được bắt đầu ngay, dưới sự lãnh đạo của Louis Souchard, rồi của Henry Morin, Giám đốc từ năm 1938 đến năm 1947. Đội ngũ nhân viên tăng dần lên, đồng thời các sản phẩm ngày càng đa dạng và phát triển. Năm 1946, Viện bị những người biểu tình đập phá, các thành viên người Âu và gia đình họ bị giam giữ. Khi tình hình trở lại bình thường, Morin gặp phải nhiều khó khăn trong tái khởi động Viện. Nhiều viện trưởng kế tiếp nhau sau đó tham gia điều hành Viện, trong đó có Jean Dodero (1948 – 1954), Marcel Capponi (1960 – 1962) và Jean Louis (1962 – 1968). Hoạt động chủ yếu của Viện Pasteur Đà Lạt vẫn là sản xuất vắc xin. Hoạt động này phù hợp với mục tiêu chính của Viện và tận dụng được điều kiện khí hâu ôn hoà của địa phương. Ngay năm đầu tiên, vắc xin phòng Tả bước đầu được sản xuất theo dây chuyền công nghiệp để đương đầu với đại dịch Tả tại Trung Quốc và Bắc Kỳ. Các vắc xin phòng bệnh vi trùng (đặc biệt là phòng Tả, Dịch hạch, Thương hàn) là các sản phẩm chính cho đến năm 1958. Sau đó, Viện sản xuất thêm các sản phẩm giải độc tốc Bạch hầu, rồi giải độc Uốn ván, vắc xin phòng bệnh Đậu mùa cung cấp cho Viện Pasteur Sài Gòn. Công tác tổ chức, phát triển và đa dạng hoá các sản phẩm vắc xin dẫn đến nhu cầu xây dựng thêm phòng ốc, tăng số lượng nhân viên, tổ chức dây chuyền sản xuất. Hoạt động này đi kèm với công tác nghiên cứu cải tiến kỹ thuật giúp nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như hiệu suất sản phẩm. Các công trình nghiên cứu liên quan đến thành phần môi trường nuôi cấy, cải tạo thiết bị, đào tạo nhân viên ngày càng đông (150 người vào năm 1967). Năm 1963, dây chuyền sản xuất thứ hai được cơ khí hoá hơn đi vào hoạt động. Bên cạnh hoạt động sản xuất này, dưới sự chỉ đạo của bác sỹ Souchard, ngoài việc sản xuất vắc xin, Viện Pasteur Đà Lạt còn có nhiệm vụ xét nghiệm nước và thực hiện các xét nghiệm về giải phẫu học, khám và điều trị bệnh dại miễn phí, tiến hành điều tra dịch tễ, chủ yếu về các bệnh sốt rét, sốt phát ban do chấy rận, bệnh do nhiễm khuẩn Salmonella cho người dân trên cao nguyên. Viện đã tiến hành kiểm nghiệm 1.838 mẫu (năm 1936), 5.572 (năm 1940). Trong số mẫu xét nghiệm vào năm 1936 có 200 mẫu bệnh sốt rét do những bệnh nhân từ vùng khác đến Đà Lạt. Viện Pasteur Đà Lạt còn thành lập một khu trồng cây Canh-ki-na tại xã Xuân Thọ để khảo nghiệm và sản xuất Ký ninh. Tổ chức: Vị Giám đốc đầu tiên, Bác sỹ Louis Souchard.
1.2. Cơ cấu tổ chức Viện Đà Lạt trước năm 1975
Viện Đà Lạt gồm ba Sở: Sở sản xuất thuốc chủng, Sở khảo nghiệm và Sở Hành chánh Tài chánh. Sở sản xuất thuốc chủng: Sở này là sở chính được trang bị đầy đủ về mọi phương diện máy móc, dụng cụ cũng như nhân sự để sản xuất 5 thứ thuốc chủng chính sau:
- Thuốc chủng ngừa Tả mỗi năm sản xuất từ 6 đến 14 triệu phân khối.
- Thuốc trồng trái (chủng ngừa Đậu mùa) mỗi năm sản xuất từ 6 đến 14 triệu liều.
- Thuốc chủng ngừa Thương hàn mỗi năm sản xuất từ 300.000 đến 2 triệu phân khối.
- Thuốc chủng ngừa Dịch hạch thường sản xuất dư nhu cầu.
- Thuốc chủng ngừa Bạch hầu và Phong đòn gánh mỗi năm sản xuất đủ chích ngừa cho từ 400 đến 600 ngàn người.
Ngoài ra, Viện Đà Lạt còn sản xuất một số thuốc chủng ngừa và trị bệnh khác: + Thuốc chích:
- Thuốc ngừa và trị bệnh mụn nhọt vi trùng
- Thuốc trị bệnh vi trùng
- Thuốc ngừa và trị bệnh lậu.
- Thuốc ngừa và trị bệnh vi trùng sinh mủ.
- Thuốc ngừa và trị bệnh sưng phổi.
- Thuốc trị nhiễm trùng ở ruột và thận.
+ Thuốc uống:
- Thuốc trị bệnh vi trùng coli.
- Thuốc trị bệnh nhiễm trùng ở ruột và thận.
+ Thuốc nhỏ mũi:
- Thuốc trị bệnh sổ mũi.
Sở khảo nghiệm: Sở này gồm các phòng:
- Phòng Trị bệnh chó dại: Chích ngừa bệnh chó dại miễn phí cho người dân bị chó cắn.
- Phòng Vi trùng học: Khảo nghiệm và phân tích về vi trùng và ký sinh trùng cho các bệnh viện và các bệnh nhân.
- Phòng Kiểm nghiệm nước uống cho thành phố.
- Phòng Sinh hoá học.
- Phòng Sinh kháng.
- Phòng Huyết thanh.
- Phòng Kiểm soát thuốc chủng bằng trứng.
Sở Hành chánh và Tài chánh: Sở này gồm 3 phòng:
- Phòng Hành chánh và Nhân viên.
- Phòng Tài chánh.
- Phòng Sự vụ chung.
Trước năm 1975, Viện Pasteur Đà Lạt là một trong những cơ sở sản xuất thuốc chủng ngừa lớn nhất Đông Nam Á và cung cấp cho vài quốc gia trong khu vực.
Hình ảnh Viện Pasteur Đà Lạt dưới tán rừng Thông
Từ năm 1968, Viện Pasteur Đà Lạt do bác sỹ Nguyễn Văn Ái, Giám Đốc các viện Pasteur Việt Nam, chỉ đạo từ Sài Gòn, bác sỹ thú y Nguyễn Văn Liêm làm trung gian lưu động giữa Sài Gòn và Đà Lạt. Sau khi đất nước thống nhất (1975), Viện Pasteur Đà Lạt bị giải thể về mặt hành chính. Trụ sở và các phòng, ban của Viện được nhập vào viện Huyết thanh và Vắc Xin. Viện này gồm nhiều cơ sở rải rác khắp nơi, trong đó có phân nửa Viện Pasteur Nha Trang và hai bộ phận nhỏ ở Hà Nội. Phân viện tại Đà Lạt là đơn vị của Viện Huyết thanh và Vắc xin, chịu trách nhiệm sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế.
2. Sau năm 1975:
Sau năm 1975, là Phân viện Pasteur Đà Lạt trực thuộc Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 09/03/1977 Quyết định số 280/BYT/QĐ thành lập Viện Pasteur Đà Lạt và ngày 23/11/1978, Bộ trưởng Bộ Y tế có Quyết định số 1395-BYT/QĐ về chức năng, nhiệm vụ và bộ máy tổ chức của Viện Pasteur Đà Lạt là sản xuất các loại vắc xin và huyết thanh, trụ trở chính đặt tại Đà Lạt, cơ sở Nha Trang trực thuộc Viện. Ngày 18/12/1981, Bộ trưởng Bộ Y tế có Quyết định số 1335-BYT/QĐ về việc đổi tên Viện Pasteur Đà Lạt thành Viện Vắc xin, trụ sở chính đặt tại Nha Trang, còn cơ sở Đà Lạt được gọi là Viện Vắc xin Cơ sở II Đà Lạt. Ngày 03/11/1982, Bộ trưởng Bộ Y tế có Quyết định số 844/BYT/QĐ chuyển Viện Vắc xin Cơ sở II Đà Lạt thành Phân Viện Vắc xin Đà Lạt trực thuộc Viện Vắc xin. Ngày 23/04/1986, Bộ trưởng Bộ Y tế có Quyết định số 448/BYT-QĐ đổi tên Viện Vắc xin thành Viện Vắc xin và các Chế phẩm Sinh vật trực thuộc Bộ Y tế bao gồm 3 cơ sở: Cơ sở chính đặt tại Nha Trang, Cơ sở II đặt tại Đà Lạt và Trại chăn nuôi Suối Dầu. Ngày 04/07/1997 Bộ Y tế có Quyết định số 1284/BYT-QĐ quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Viện vắc xin và các Chế phẩm Sinh vật và cơ sở Đà Lạt vẫn có tên là Viện Vắc xin Cơ sở II Đà Lạt. Ngày 18/04/2006 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 621/QĐ-TTg về việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế ngoài Nghị định 49/2003/NĐ-CP ngày 15/05/2003 của Chính phủ Viện Vắc xin và các Chế phẩm Sinh vật đổi tên thành Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế. Ngày 09/11/2006 Bộ trưởng Bộ Y tế có Quyết định số 3390/QĐ-BYT ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế, trong đó quy định Phân viện Vắc xin Đà Lạt là đơn vị trực thuộc Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế.
Hình ảnh công trình Viện Pasteur Đà Lạt – Trụ sở Công ty TNHH MTV Vắc xin Pasteur Đà Lạt ngày nay
Ngày 31/12/2007 Bộ trưởng Bộ Y tế có Quyết định số 5527/QĐ-BYT thành lập Công ty Vắc xin Pasteur Đà Lạt trên cơ sở tách nguyên trạng Phân viện Vắc xin Đà Lạt thuộc Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế. Công ty Vắc xin Pasteur Đà Lạt là Công ty Nhà nước độc lập, trực thuộc Bộ Y tế. Ngày 30/06/2010 Bộ trưởng Bộ Y tế có Quyết định số 2331/QĐ-BYT về việc chuyển Công ty Vắc xin Pasteur Đà Lạt thuộc Bộ Y tế thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vắc xin Pasteur Đà Lạt do Nhà nước làm Chủ sở hữu và trực thuộc Bộ Y tế quản lý. Các loại vắc xin và huyết thanh đã sản xuất tại Pasteur Đà Lạt sau năm 1975 đến 2006
- Vắc xin Tả – Thương hàn – phó Thương hàn.
- Vắc xin Dịch hạch sống đông khô giảm độc lực.
- Vắc xin BCG.
- Vắc xin DPT (Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván).
- Các kháng huyết thanh chẩn đoán: Tả Vibrio cholerae, Lỵ Shigella, Coli, Thương hàn Salmonella và Ho gà B. pertussis.
+ Từ 2007 đến nay đang sản xuất:
Vắc xin đang sản xuất
- Vắc xin Thương hàn Vi polysaccharide: Năm 1996, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật sản xuất từ Viện Sức khoẻ Quốc gia Mỹ (NIH-Mỹ) và sản xuất thành công, được cấp phép sử dụng từ năm 2003 và năm 2004 bắt đầu cung cấp cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho đến nay.
- Vắc xin Heberbiovac HB II phòng viêm gan của CIGB Cu Ba, liên kết với Tập đoàn Y tế AMV (giai đoạn I).
- Vắc xin Quimi Hib phòng viêm màng não mủ H. influenzae của CIGB Cu Ba – liên kết với Tập đoàn Y tế AMV (giai đoạn II).
- Vắc xin dại tế bào Abhayrab phòng bệnh dại của Công ty Miễn dịch Ấn Độ (Indian Immunological Ltd) – Liên kết với Tập đoàn Y tế AMV (giai đoạn I).
Thuốc bột
- Biosubtyl DL
- Ase Floris
- Merika Fort
- Merika Pro
Thực phẩm Bảo vệ sức khỏe
- PasterVac Immu
- PasterVac Thymo
- Hepa C Oran
Công ty TNHH MTV Vắc xin Pasteur Đà Lạt (DAVAC) – Bộ Y tế, tiền thân là Viện Pasteur Đà Lạt, ngày nay không còn nằm trong mạng lưới quốc tế các Viện Pasteur thuộc Pháp. Tuy nhiên lịch sử đã qua và mãi về sau này của Pasteur Đà Lạt vẫn được các thế hệ giữ gìn, trân trọng và tiếp nối.